NHÀ CỔ NAM BỘ HƠN 100 NĂM TUỔI
17/07/2020 Lượt xem: 8895

Ngày xưa, người đàn ông trong gia đình là trụ cột chính trong các công việc dù là lớn nhỏ, phụ nữ đảm đang với bổn phận nội trợ, chăm con. Vì thế, đàn ông có một đặc quyền là “Năm thê bảy thiếp”. Người xưa cũng có câu: 

“Đàn ông là phải ăn quà

Ăn quà xong lại về nhà ăn cơm

Ăn cơm như thể ăn rơm

Đàn ông là phải vừa cơm, vừa quà”

 

Căn nhà cổ tại khu du lịch được ông Trần Hý Ngươn xây dựng từ năm 1906 đến nay đã được 114 năm ngôi nhà này được xây cho cô vợ thứ 2 là bà Nguyễn Thị Phòng, đây cũng là món quà mà ông dành riêng cho bà. Đến đời cháu nội của Ông, thì được Làng Du Lịch Mỹ Khánh di dời căn nhà này từ Khu Nhà Cổ Bình Thủy về đây phục dựng lại khoảng 90% chỉ có thay đổi phần nền và phần ngói mái. Mái ngói xưa được lợp và được gọi là ngói âm dương, 1 tấm úp 1 tấm ngửa. Ngói đó trải qua nhiều năm bị mục nên về đây đã được thay đổi.

 

 Còn đối với nền trước khi xây dựng, dưới lớp gạch tàu lót nền nhà, chủ nhân ngôi nhà phủ phía dưới một lớp muối dày 10cm, có tác dụng hút nhiệt mỗi khi thời tiết nắng nóng bất thường và làm mát bàn chân. Đó là cách dân gian được áp dụng các ngôi nhà của các vị tá điền.

Căn nhà có ba gian, hai chái. Ba gian tượng trưng cho ba cánh cửa bước vào nhà, trong đó, cánh cửa ở giữa là cánh cửa to nhất, và được xem như là cửa chính.

 

Cánh cửa này người phụ nữ Nam Bộ ngày xưa chỉ được bước qua hai lần. Lần thứ nhất là khi rước dâu về, lần thứ hai là khi mất đi, linh cửu sẽ được đưa ra qua cửa chính, vì quan niệm của ông bà ngày xưa là “vào đường nào, ra đường đó”.

 

Hai chái là hai khoảng không gian kế bên căn nhà, một chái bên trái là nơi có bộ bàn ghế để cho ông chiều chiều nhâm nhi ly rượu cùng bạn của ông, một chái bên phải là nơi có những bộ phảng to để cho bà chiều chiều đánh bài cùng bạn của bà. Theo quan niệm, nam tả nữ hữ.

 

Bước vào căn nhà, du khách sẽ chú ý ngạch cửa phía dưới chân mình. Khác với những căn nhà cổ phía Bắc, ngạch cửa hay còn gọi là ngưỡng cửa của Nhà cổ Nam Bộ sẽ thấp hơn. Đơn giản, người Miền Tây rất phóng khoáng kể cả trong giao tiếp, bước qua ngạch cửa du khách sẽ hơi khom lưng một tí để cẩn thận không bị vấp và khi khom người xuống và cuối đầu ngụ ý là để cuối đầu trước ông bà tổ tiên và cũng như chào gia chủ trong nhà.

 

Bước vào cửa chính, du khách sẽ được thấy bức bình phong Phước – Lộc – Thọ tuyệt đẹp, bức bình phong như thế tiền án ngăn mọi điều không may vào nhà, nó còn có tác dụng vật lý là khi gió thổi vào gặp bức bình phong sẽ tỏa ra làm mát hai bên gian nhà. Phía sau là bộ trường kỷ hay tràng kỷ, bộ trường kỷ này là nơi để ông dùng tiếp khách của ông. Bà muốn ngồi lên bộ trường kỷ thì bà phải thỏa điều kiện là trên 50 tuổi, hoặc là bà đã có cháu mới được ngồi tiếp khách trên bộ trường kỷ. Thông thường, nơi tiếp khách của bà là bộ phảng bằng gỗ quý được đặt kế bên.

 

Trong nhà có 2 bàn và một cái phản, tùy vào độ thân thiết với gia chủ sẽ được mời trà tại các bàn này. Bộ bàn phía trong được gọi là tâm trà, để tiếp khách thân thiết nhất. Loại gỗ để làm nên bàn tâm trà là loại gỗ bị sét đánh, vì dân gian quan niệm rằng những cây sét đánh đều có thể tránh được âm khí, xui xẻo.

 

Căn nhà cổ này cũng khác so với những căn nhà khác, du khách có thể nhìn lên trên nóc nhà sẽ thấy thiếu một bộ phận quan trọng của căn nhà là cây đòn dông hay còn gọi là cây đòn nóc. Vì khi xây dựng ngôi nhà, cô vợ cả đã kêu người tháo cây đòn nóc xuống.

Khi cưới cô vợ thứ hai về cho ông, cô vợ cả là người mang sính lễ trực tiếp cưới vợ về cho chồng của mình. Cô vợ thứ hai đồng ý về làm vợ của ông với điều kiện là con cái của bà sẽ được mang họ Trần của ông Trần Hý Ngươn, nhưng không được ghi tên vào gia phả dòng họ. Đồng nghĩa với việc 3000 công ruộng đất của ông sau khi ông mất, con cái của bà vợ cả sẽ là người thừa hưởng toàn bộ gia tài. Chính vì thế, căn nhà vừa được xây dựng, bà vợ cả kêu người tháo cây đòn nóc xuống với ngụ ý rằng, khi bà vợ hai và các con bước vào nhà, nhìn lên căn nhà thấy thiếu cây đòn nóc sẽ nghĩ đến câu “con không cha như nhà không nóc”, ngụ ý của bà thâm thúy là như vậy.

         

Người xưa cũng có câu:

“Trồng trầu thì phải khai mương

Làm trai hai vợ phải thương cho đều”

Ông Trần Hý Ngươn biết rằng tài sản của ông sau này sẽ dành hết cho bà vợ cả, những  năm cuối đời ông dành hết tình thương cho bà vợ thứ hai. Ông chuyển hẳn sang nhà bà vợ hai sinh sống, trong nhà có hai căn phòng, ông một bên, bà vợ thứ hai một bên.

 

Bà vợ cả thấy chồng làm vậy cũng không lời nào có thể ngăn quyết định của ông, bà đành nhỏ nhẹ với cô vợ thứ hai:

“Em ơi! Của chua ai thấy chả thèm

Chồng em cho chị mượn một ngày được không”

 

Cô vợ thứ hai sau bao năm bị chèn ép, bây giờ cũng là lúc phải lên tiếng:

“Chị à! Chồng em đâu phải trâu cày

Mà cho chị mượn cày ngày cày đêm.”

 

Nói không được, bà liền hành động. Bà cho người kê một cái giường ngay hai bên căn phòng của nhà bà vợ thứ hai và ngủ lại tại đó. Ngụ ý rằng ông muốn qua phòng bà hai, phải qua bà trước đã. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, bà vợ thứ hai thấy bà vợ cả ngủ đành lên tiếng:

“Anh ơi! Bữa nay sóng lặng biển êm

Thuyền anh có muốn chống chèo thì sang”

Ông trả lời rằng:

“Muốn sang buôn bán cho vui

Ngại đồn giữa chợ biết xuôi đường nào”

Bà vợ cả chợt tỉnh giấc xen vào:

“Muốn qua buôn bán thì qua

Qua đồn đóng thuế chuyện xưa thiếu gì”

Hiểu ý bà cả, bà vợ thứ 2 đành ngậm ngùi:

“Không qua buôn bán làm chi

Qua đồn đóng thuế còn gì bán buôn”

Thế nên, tối đó đành chỗ ai nấy ngủ. Người xưa thấy thế cũng hiểu được nỗi khổ của các ông nhiều vợ. Dân gian có câu: “Một vợ thì ngủ giường lèo, hai vợ thì ngủ chèo queo, ba vợ thì xuống chuồng heo mà nằm” là như vậy.