Đặc sản Tiền Giang mang trong mình nét chung của ẩm thực vùng đồng bằng Sông Cửu Long, kiêm với đó là những hương vị rất lạ của riêng nó. Có những món ăn, chỉ nhắc tới tên thôi thực khách cũng đã dấy lên lòng muốn thưởng thức ngay. Đi du lịch Miền Tây, bạn nhớ ghé Tiền Giang để thưởng thức hết 20 món ăn ngon tuyệt dưới đây nhé!
1. Hủ tiếu Mỹ Tho
“Hủ tiếu Mỹ Tho ngày xưa
Vang danh khắp chốn vẫn chưa phai mờ.”
Từ quán ăn ven đường cho đến nhà hàng sang trọng. Chẳng bao giờ thiếu cái tên: Hủ tiếu Mỹ Tho - món ăn bất hủ đã làm nên danh tiếng xứ Tiền Giang. Nói đến chất ngon của món ăn này, đầu tiên phải kể đến sợi hủ tiếu dài mềm. Kế đến là nước dùng thanh ngọt, sau đó là các thành phần bổ sung chất dinh dưỡng. Như hải sản, xương, lòng và gia vị trang trí như lá hẹ, rau xà lách, hành phi thơm, tiêu,...
Tất cả đều được sắp xếp theo một trình tự chuẩn bị và chế biến riêng. Nên thực khách sẽ luôn cảm nhận được sự thơm ngon, chất vị hủ tiếu miền Tây không nơi nào có được. Với đặc sản trứ danh này, thực khách có thể dùng làm bữa ăn sáng hay ăn trưa, ăn tối đều được.
2. Vú sữa Lò Rèn
Trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim sở dĩ có điểm khác biệt và nổi tiếng hơn nhiều giống vú sữa được trồng ở các địa phương khác. Do có hình dạng quả tròn, màu trắng, mỏng vỏ, nhỏ hột, ruột dày và ăn vào cảm giác vị rất ngọt ngào và thơm. Khi ăn, người ta thường dùng tay vo tròn và bóp đều nhẹ nhàng một hồi cho mềm ra. Sau đó bẻ đôi quả ra và dùng muỗng để múc ăn.
3. Xoài cát Hòa Lộc
Hòa Lộc là tên một làng ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Nơi đây người dân có trồng một giống xoài ngon nhất miền Tây mà người ta thường gắn địa danh xuất xứ vào để gọi là xoài cát Hòa Lộc. Giống xoài này thường chín vào khoảng tháng 4 đến tháng 8 âm lịch. Mỗi trái có khối lượng trung bình khoảng từ 300 - 500 gam/trái.
4. Cá biển tươi nấu mẳn
Nấu mẳn là cách nấu đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đó là sự kết hợp đầy thú vị giữa kho và nấu canh để tạo ra một hương vị đầy mới mẻ và độc đáo. Với món nấu mẳn, các loại cá trắng không phải đánh vảy, chỉ cần rửa sạch là được. Gia vị để chế biến món này cũng đơn giản. Như muối ớt, hành lá, chanh hoặc giấm. Rau sống ăn kèm phải là chuối non và bắp chuối xắt ghém, giá sống và các loại rau thơm như húng lủi, húng cây, quế.
5. Mắm tôm chà Gò Công
Mắm tôm chà Gò Công từng là món ăn trong cung thời triều Nguyễn. Với lịch sử này đủ cho thấy loại mắm xứ Gò Công có sức hấp dẫn như thế nào. Tôm đất tươi, tỏi, ớt chín cây là ba nguyên chính làm nên mắm ngon. Song cách chế biến tỉ mỉ mới làm cho mắm giữ được hương vị ngon. Tôm làm sạch giữ nguyên gạch đem ngâm với rượu nếp 20 phút vớt để ráo nước. Tôm trộn với tỏi, ớt giã nhuyễn sau đó đem ủ kín một tuần.
Sở dĩ gọi là mắm tôm chà là vì sau bước ủ. Hỗn hợp sẽ được đem chà qua rây để loại bỏ phần xác tôm. Phần còn lại đem phơi dưới nắng trong vòng khoảng 20 ngày sẽ là thành phẩm mắm tôm. Mắm tôm chà Gò Công được sử dụng như một món ăn chính trong bữa cơm. Nhưng cũng có thể thưởng thức theo phong cách đường phố bằng cách ăn với ít bánh tráng, bún và thịt luộc.
6. Bún gỏi dà Mỹ Tho
Bún gỏi già có nguyên liệu quan trọng là mắm cá. Điều này làm chúng ta nhìn chúng giống như bún mắm quen thuộc. Tuy nhiên, về cách nấu và nêm nếm gia vị thì có nhiều điểm khác. Nước dùng nấu chung với me tạo độ chua ngọt vừa phải. Thịt nạc thái mỏng miếng vừa ăn. Tôm sú tươi lột vỏ cộng với một đĩa rau ăn kèm: rau muống, chuối bào, hẹ,... Ngoài ra phải thêm một chén nước chấm làm từ loại cá chỉ có vào mùa nước nổi là cá linh mới khơi dậy được hương vị đặc trưng của bún gỏi già Mỹ Tho.
7. Chả nướng Chợ Gạo
Đôi khi những món ăn ngon được làm từ công thức vô cùng đơn giản. Nhưng qua bàn tay đầu bếp nó lại trở nên ngon và đặc sắc như chả nướng Chợ gạo là một ví dụ. Muốn ăn chả nướng đúng chất, bạn phải tìm đến chợ Gạo. Bởi tiếng lành đồn xa nói rằng chả nướng ở đây được làm từ công thức: từ thịt nạc vai luộc vừa chín tới, thái mỏng để xào với hành tím và tỏi.
Chả nướng có thể ăn nóng, ăn kèm với bún nhưng cách ăn ngon nhất là cuốn. Bánh tráng ngon, thêm vài vị rau cuộn lại chấm với nước mắm chua ngọt. Đảm bảo đơn giản nhưng ngon tuyệt cú mèo, thực khách sẽ muốn quay lại Tiền Giang ăn thêm lần nữa.
8. Nhãn Nhị Quý
Nhị Quý là một xã ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Nơi đây được mệnh danh là Vương quốc của các loại trái cây, đặc biệt là nhãn. Có hai loại nhãn được trồng chính ở Nhị Quý là nhãn tiêu da bò (nhãn tiêu quế) và nhãn xuồng cơm vàng. Nhãn Nhị Quý có nhiều khoáng chất, vitamin A, kali, photpho, magie và sắt, có tác dụng điều trị bệnh đau dạ dày, chứng mất trí nhớ, chống căng thẳng, mệt mỏi, giúp cầm máu rất hiệu quả.
9. Sầu riêng Ngũ Hiệp
Có nhiều giống sầu riêng như: ri 6, hạt lép, chuồng bò và được trồng ở nhiều địa phương của miền Tây. Nhưng khi nhắc đến loại quả này thì phải kể đến sầu riêng Ngũ Hiệp. Bởi số lượng cung cấp ra thị trường và chất lượng hàng đầu. Ngũ Hiệp là tên một xã ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nơi mà có đến 90% dân trồng loại quả này.
10. Sơ ri Gò Công
Cùng với Mỹ Tho thì Gò Công vốn là một vùng đất lâu đời và nổi tiếng nhất nhì ở Tiền Giang. Được biết đến với danh hiệu “miền gái đẹp” vì là quê hương . Sơ ri là loại quả có kích thước nhỏ, khoảng như viên bi, nhưng màu sắc khá đẹp (khi chín màu đỏ). Trong trái sơ ri có nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng vitamin C rất cao.
Có nghiên cứu cho rằng một ly nước ép sơ ri 180ml có thể chứa một lượng vitamin C tương đương 14 lít nước cam ép. Vì vậy, trong công nghệ chế biến thực phẩm. Nước ép sơ ri thường được sử dụng để làm tăng hàm lượng vitamin C cho nước ép của nhiều loại quả khác.
11. Chuối quết dừa
Nhắc tới Tiền Giang mà không nhắc tới món chuối quết dừa dân dã mà cực kì ngon thì thật là thiếu sót. Nguyên liệu chính của món này là chuối sứ xanh và dừa nạo. Chuối được đem luộc tới khi chín dẻo sẽ được trộn cùng dừa nạo, dừa thái lát mỏng đem giã nhuyễn trong cối. Thêm chút muối đường cho hợp khẩu vị. Sau đó người ta rắc chút lạc rang vàng lên phía trên.
12. Mắm còng Gò Công
Không chỉ có các thể loại mắm cá, nơi này còn có mắm còng. Còng là một loại thường sinh sống trên các thửa ruộng quanh năm ngập nước, trong các đám cỏ, lá dừa nước hay dọc kênh rạch nơi này. Mắm còng có hai kiểu chế biến: để nguyên con như kiểu làm mắm chua ở Huế. Hoặc chế biến còng và làm đậm đặc như mắm ruốc. Khi ăn chỉ cần cho thêm chanh, ớt đường, gia vị là đã có một món chấm cực kì thơm ngon.
13. Bánh vá/bánh giá
Khi đã ghé ngang Gò Công và vào chợ Giồng, bạn không nên bỏ qua món bánh vá được mệnh danh là đặc sản nơi đây. Bánh được làm từ các nguyên liệu dân dã như tôm đất, giá sống, gan heo, nấm mèo,... Và được chiên thật khéo léo để bánh không bị vỡ, tôm vẫn nổi trên mặt bánh.
Bánh khi chiên xong có màu vàng ươm, giòn rụm, được ăn kèm cùng với rau sống, bún. Món đặc sản này còn được người dân xứ Gò Công sử dụng trong những dịp trang trọng như tân gia, cưới hỏi hay giỗ chạp.
14. Bánh bèo chợ Hàng Bông
Khi đến khu chợ hàng Bông tại thành phố Mỹ Tho. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những đôi quang gánh với những miếng bánh bèo tròn trịa trắng muốt dân dã được đặt trên những mảnh lá chuối được xếp ngay ngắn. Bánh bèo nơi đây phổ biến với nhân mặn. Gồm bánh mì chiên cắt hạt lựu và bì heo cắt nhỏ, ăn kèm với nước mắm chua ngọt.
Bên cạnh đó, nơi đây còn bán cả bánh bèo nhân ngọt, với đậu xanh tán nhuyễn, nước cốt dừa và một ít mè tạo nên hương vị béo ngậy cho món ăn. Bánh bèo chợ hàng Bông thường bán vào buổi chiều tối. Tuy chỉ là những quán hàng rong, thực khách khi đến ăn phải ngồi trên những chiếc ghế nhỏ. Nhưng lúc nào cũng đông khách, khi đến đây bạn nên thưởng thức ngay món ăn này nhé.
15. Ốc gạo Tân Phong
Ốc gạo Tân Phong là món ăn vặt ưa thích không những của người dân mà còn của những du khách đã ghé thăm nơi đây. Ốc thường sinh sản nhiều ở khu vực Cồn Bầu, Cồn Tre, Cồn Tròn,... thuộc vùng Tân Phong, huyện Cai Lậy.
Ốc gạo nơi đây thường to, có vỏ xanh, trong ruột thường có nhiều con nhỏ như hạt gạo. Khi luộc sẽ có vị ngọt, hơi béo, giòn giòn rồi đem chấm với nước mắm chanh, ớt, gừng. Khiến bạn ăn hoài không dừng tay. Bên cạnh đó, ốc gạo Tân Phong còn được chế biến thành nhiều món như ốc rang bơ, ốc um nước dừa, ốc cháy tỏi,... tha hồ để bạn thưởng thức.
16. Sam biển Gò Công
Nếu bạn có dịp ghé Gò Công thì nên một lần thưởng thức món Sam biển - đặc sản xứ biển Vàm Láng Gò Công. Đây là loài thường sống thành cặp, con đực thường bé hơn và bám lên thân con cái. Có thân giáp xác và có mai giống loài cua. Khi thưởng thức món ăn này, bạn nên ăn cả cặp vì nếu chỉ ăn một con có thể gây ra đau bụng hoặc dị ứng.
Các món ăn được làm từ loài sam biển Gò Công rất đa dạng và kì công. Từ xào miến, xào chua ngọt đến gỏi sam hay sam nướng. Nhiều thực khách thường chuộng món trứng sam nướng hoặc cắt nhỏ trứng sam để nấu canh chua. Lai rai cùng một ít rượu với những người bạn là hết sảy.
17. Mận Trung Lương
Mận Trung Lương cũng là một đặc sản Tiền Giang rất đáng đem về làm quà cho người thân, bạn bè khi du khách ghé du lịch miền sông nước này. Trái mận tròn tròn, có màu hơi ửng đỏ, với hai loại mận là hồng sọc đỏ và hồng đào đá. Khi ăn rất giòn, các vị chua ngọt, chan chát quyện hòa cùng nhau, ăn kèm mắm đường thì rất ngon.
18. Nem Ông Mập
Nem Ông Mập có độ rời nhưng lại không bở, có vị chua thanh không gắt, vị cay nhè nhẹ dịu dàng. Khiến cho ai cắn vào một miếng cũng phải thèm thuồng muốn cắn đến miếng thứ hai. Đến miền Tây, bạn có thể mua nem Ông Mập về làm quà để tặng bạn bè hoặc gia đình. Hay đơn giản chỉ là mua vài xâu nem về để làm mồi nhậu. Chắc chắn đây sẽ là những trải nghiệm thú vị.
19. Khô cá bông lau
Cá bông lau có thể chế biến thành nhiều món ngon như: cánh cá bông lau, lẩu cá bông lau,... Tuy nhiên, món ngon Tiền Giang đậm đà hương vị nhất đó chính là món khô cá bông lau. Khô cá bông lau được người dân Tiền Giang chế biến thành các món thơm ngon, đậm chất miền Tây. Như canh chua cá bông lau nấu bần, khô cá bông lau chiên giòn ăn kèm với cơm nóng,...
20. Chè Sơn Qui
Phàm là dân Gò Công thì không ai là không biết đến cầu Sơn Qui. Cây cầu nằm nép mình bên dòng sông xanh ngát vì lục bình. Nơi đây thân thuộc với nhiều thế hệ học trò với món chè bên phía chân cầu. Chè Sơn Qui là món ăn mà người ta vẫn gọi là thứ “của một đồng, công một nén”.
Chè Sơn Qui chế biến rất cầu kỳ, tinh tế từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến lúc xếp lớp vào ly. Điểm thu hút của chè là những viên bột trong veo bọc lấy đậu phộng rang bên trong. Món chè thêm ngon miệng khi phảng phất mùi lá dứa, vị ngọt thanh của đường và bùi bùi của đậu.
Du lịch Tiền Giang không chỉ có những cảnh đẹp thiên nhiên miệt vườn mà còn có nhiều món ăn ngon. Chỉ cần thưởng thức một lần những món ăn ngon trong danh sách đặc sản Tiền Giang trên thôi. Chắc chắn du khách sẽ thương nhớ mãi mảnh đất miệt vườn này.
Khu du lịch Sinh Thái Mỹ Khánh
• Email: booking@mykhanh.com
• Địa chỉ: 335, lộ vòng cung, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Thành phố Cần Thơ, Việt Nam
• Website: https://mykhanh.com